Niềm tự hào về những tháng năm lịch sử (28.3.1975-28.3.2015) 
Huyện Bảo Lộc (cũ) nay là thành phố Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Cách đây vừa tròn 40 năm, vào ngày 28/3/1975, thị xãB’Lao, huyện Bảo Lộc được hoàn toàn giải phóng. Trong kháng chiến chống Mỹ, trước đây huyện Bảo Lâm là địa bàn thuộc K1, K2, K5 và T29. Ngược dòng lịch sử, trở về với những năm tháng hào hùng của dân tộc, quân và dân Bảo Lâm vô cùng tự hào về thành tích chiến công giải phóng thị xã B’Lao, huyện Bảo Lộc (cũ) nay là thành phố Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Ngày 10/3/1975, từ nhiều hướng, các mũi tiến công của ta đồng loạt đánh vào thị xã Buôn Mê Thuột và ngày 11/3/1975, Buôn Mê Thuột hoàn toàn giải phóng.  Chớp lấy thời cơ khi nhiều địa bàn quan trọng ở khu vực Tây Nguyên đã được giải phóng. Tỉnh ủy, Tỉnh đội Lâm Đồng được Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 6 giao nhiệm vụ phối hợp cùng với Sư đoàn 7 để giải phóng tỉnh và trong thời gian ngắn (15 ngày) phải hoàn thành tất cả các mặt, để đảm bảo phục vụ cho chiến dịch giải phóng Lâm Đồng, trong đó có thị xã B’Lao là Tòa hành chính tỉnh. Tỉnh ủy, Tỉnh đội Lâm Đồng đã chỉ đạo cho K1, K2, K5 và T29, động viên toàn lực, tất cả cho chiến đấu, phục vụ chiến đấu với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”. Chấp hành chỉ lệnh của cấp trên, K1 và K5 huy động hơn 4.000 dân công tham gia làm đường đưa pháo vào trận địa ở buôn B’Trú (nay là Nao Lùng, thôn 4 xã Lộc Bắc); làm đường cho xe thồ, vận chuyển súng đạn, lương thực từ buôn ĐạR’Mich, vùng III (nay thuộc Đạ Tẻh) đến buôn Tân Lon C, ngã 3 xóm Mới (nay thuộc thủy điện ĐạM’Ri) cho trung đoàn 141 (Sư đoàn 7) hành quân lên vị trí tạm dừng (tập kết) làm công tác chuẩn bị chiến đấu. K2 và T29 phối hợp chuẩn bị chiến trường, dẫn đường cùng các đơn vị bộ đội chủ lực đánh chiếm thị xã B’Lao.
Tất cả các mặt đã hoàn thành đúng thời gian quy định. Tình hình trên các chiến trường lúc này diễn biến rất nhanh. Sau đòn tiến công “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột, ta tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt tàn quân địch, phát triển ra xung quanh thị xã, sẵn sàng đánh địch tiếp viện và áp sát sân bay Nhơn Cơ (Quảng Đức). Đến ngày 20/3/1975, ta đánh chiếm huyện Kiến Đức (nay thuộc tỉnh Đắc Nông). Quân địch ở Gia Nghĩa không còn lối thoát, bọn chúng hoang mang giao động, dùng máy bay vận tải đưa vợ con di tản. Số sĩ quan, binh lính còn kẹt lại, tháo chạy theo đường 8 (nay là quốc lộ 28) để về Bảo Lộc (Lâm Ðồng). Đơn vị C742, b14 và du kích xã 4, xã 6 (Lộc Lâm, Lộc Phú), xã 5 (Đinh Trang Thượng) chặn đánh, diệt nhiều tên. Chúng bỏ xe, pháo liều chết vượt sông, cắt rừng về tập trung tại Tân Rai (Lộc Thắng). Ngày 23/3/1975, thị xã Gia Nghĩa (nay thuộc tỉnh Đắc Nông) được hoàn toàn giải phóng. Thời điểm này, quân địch ở Lâm Đồng, tổng hợp các sắc lính trên 12.000 tên, cộng với hơn 1.000 tàn quân địch ở Gia Nghĩa chạy sang. Quân địch còn rất đông, nhưng không mạnh, tinh thần sĩ quan, binh lính sa sút, hoảng loạn qua thất bại trên các chiến trường, lại trong tình thế bị cô lập, khi ta tấn công mạnh, không còn khả năng chống cự.
Ngày 27/3/1975, các hướng tiến công giải phóng thị xã B’Lao tiếp cận mục tiêu; đúng 14 giờ 30, lực lượng bộ binh có xe tăng dẫn đầu tiến công tiêu diệt đồn Mađạgui, phát triển lên đánh chiếm chi khu Đạ Huoai và các đồn bốt dọc theo trục lộ 20.  Lúc 04 giờ sáng ngày 28/03/1975, quân ta đánh chiếm cầu Đại Lào (Lộc Châu), từ đó phối hợp với các hướng đánh chiếm thị xã. Cùng thời gian đó, pháo 130ly từ đồi B’Trú bắn dồn dập vào các mục tiêu chủ yếu của địch như: dinh tỉnh trưởng, tiểu khu, sân bay KôHinĐa. Các cánh quân hợp đồng, tiếng súng tấn công đồng loạt đánh diệt các mục tiêu án ngữ bên ngoài, phát triển đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã. Đồng thời phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, giải phóng hoàn toàn huyện Bảo Lộc. Đến 10 giờ sáng ngày 28/3/1975. ta hoàn toàn làm chủ thị xã B’Lao. Cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay trên dinh tỉnh trưởng ngụy, nhiều nơi trong thị xã và ở các trọng điểm 2 phía Nam-Bắc đường 20 của huyện Bảo Lộc. Chiến thắng giải phóng thị xã B’Lao đã mở đường giải phóng Di Linh (31/3/1975) và Đà Lạt (03/4/1975) , góp phần làm nên chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.
Cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, do Sư đoàn 7 chủ lực
 kéo lên đỉnh cột cờ Tòa Hành chính tỉnh Lâm Đồng lúc 10h00 ngày 28/3/1975 - Ảnh: Tư liệu
Hơn hai chục năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trải qua các chiến lược chiến tranh đầy ác liệt, gian khổ hy sinh và chấp nhận cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù. Trong hoàn cảnh ấy, quân và dân huyện Bảo Lộc (cũ)  đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng đánh địch bằng 3 mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận; kiên trì 3 bám “ bám địch, bám dân, bám đất”  “một tấc không đi, một ly không rời” góp phần giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ Bảo Lộc đã và đang phát huy những truyền thống tốt đẹp của mình trong kháng chiến để góp phần cùng cả nước xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa-con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.


Pháo 105 mm, ta thu của địch

Máy bay địch bị pháo ta bắn hỏng
Hình ảnh trưng bầy tại nhà truyền thống huyện Bảo Lộc (cũ), tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: Tư liệu